Tết Nguyên Đán là dịp lễ cổ truyền lớn nhất trong văn hóa của người Việt, cũng là lúc ta cảm nhận được rõ ràng nhất những nét đẹp thuần túy trong văn hóa dân gian. Cùng đọc bài viết của huenews.com.vn dưới đây để hiểu thêm về những biểu tượng Tết cổ truyền này trong văn hóa dân gian nhé!
1.Biểu tượng Tết cổ truyền – Bánh chưng – bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết. Bánh chưng phổ biến ở miền Bắc, trong khi bánh tét được chọn làm biểu tượng cho miền Nam. Có nhiều truyền thuyết dân gian cũng như nghiên cứu về nguồn gốc hai loại bánh này. Quen thuộc nhất là câu chuyện về cuộc thi tài để chọn người nối dõi của vua Hùng thứ 6.
Kết quả là người con thứ 18 Lang Liêu là người được chọn nhờ làm ra bánh chưng, bánh giầy. Cái tài của Lang Liêu là biết sử dụng những nguyên liệu thông thường có sẵn như: lá, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… để làm thành món ăn, mà trong đó gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, của đất trời linh thiêng.
Còn với bánh tét, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là sản phẩm của sự hội nhập nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa Champa với tín ngưỡng “phồn thực”. Vì thế, bánh tét có hình cái Linga, biểu tượng cho sự sống, sự sinh sôi, trường tồn, hùng mạnh…
Ngày nay, bánh chưng và bánh tét không chỉ được dùng trong các lễ hội, giỗ, tết mà còn là món quà bán hàng ngày. Riêng trong chốn cung đình, chỉ được phép dâng cúng bánh chưng, chứ không được dùng bánh tét làm lễ phẩm dâng cúng trong miếu điện. Do hình dáng và tên gọi của bánh tét bị cho là không tao nhã.
2.Biểu tượng Tết cổ truyền – Mâm ngũ quả
Ngày Tết, dù ở thành thị hay thôn quê, bên cạnh những bánh chưng xanh, hoa đào đỏ, gia đình nào cũng bày một mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Mỗi người, mỗi nơi đều có cách bày trái cây trên bàn thờ khác nhau. Đơn giản có thể chọn nải chuối cùng với dưa hấu, thơm (dứa), bưởi… cầu kỳ hơn có thể trưng bày theo nghĩa long, lân, quy, phụng. Lại còn có cách trưng bày trái cây theo nghĩa “chơi chữ”: cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài).
Dù khác nhau nhưng tựu chung phải đẹp cả hình lẫn ý. Đúng như tên gọi, mâm ngũ quả phải gồm 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau. Con số 5 thể hiện ước muốn của người Việt Nam trong năm mới sẽ đạt ngũ phúc lâm môn: Phú, quý, thọ, khang, ninh. Năm màu sắc tượng trưng ngũ hành trong vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Theo thời gian, mâm ngũ quả dần được cách tân, trở thành lục, thất… quả. Tuy vậy, dù là quan niệm và cách bài trí thế nào thì tất cả cũng đều quy về một mối là nhắc nhở con cháu luôn nhớ ơn ông bà tổ tiên về thể hiện ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc, sung túc, trọn vẹn.
3.Biểu tượng Tết cổ truyền – Dưa hấu
Dẫu rằng cách ăn, chơi Tết trải qua bao năm đã thay đổi ít nhiều nhưng trong mâm cỗ xuân chẳng thể thiếu dưa hấu. Ở những phiên chợ, người ta khoác tấm giấy vuông đỏ với những chữ Phúc, Lộc, Thọ, Cát… lên mình những trái dưa tròn căng bóng rồi đặt chúng nằm ngoan ngoãn như lũ lợn con trên đám rơm, đợi người ta đến “rước” về, bày trang trọng trên bàn thờ.
Nhiều người xem dưa hấu như quẻ nói đầu năm. Người ta tin rằng ngày đầu xuân, bổ đôi trái dưa, mà ruột đặc, đỏ tươi, mọng nước thì đó sẽ là điềm báo cho năm mới sung túc. Bởi thế, chọn mua dưa hấu bày Tết chẳng bao giờ là chuyện đơn giản. Vào ngày hạ niêu (mùng 7 tết), người đứng đầu gia đình sẽ bổ dưa, chuyền tay mọi người những lát dưa đỏ au, ngọt mát với hy vọng các thành viên trong gia đình luôn gắn kết yêu thương nhau như miếng dưa được xẻ ra từ một trái.
4.Biểu tượng Tết cổ truyền – Mứt Tết
Không chỉ là món ăn chơi thơm ngon, hấp dẫn cho cả người lớn và trẻ em, nhâm nhi miếng mứt ngọt ngào bên tách trà ấm nóng từ xưa đã trở thành một thú vui ngày tết. Mứt thường được chế biến từ các loại trái cây, và một số loại củ sên với đường. Mỗi loại có một màu sắc và hương vị đặc trưng. Có thể nói Đà Lạt là nơi hội tụ nhiều loại mứt nhất Việt Nam. Ở đây mứt được bày bán quanh năm chứ không chỉ dịp Tết. Chỉ cần bước chân vào chợ, du khách bị bủa vây ngay bởi một thế giới mứt rực rỡ màu sắc.
Ở Hà Nội, có làng nghề Xuân Đỉnh, tại Từ Liêm là làng truyền thống làm mứt từ bao đời nay. Cảnh tượng nhà nhà đỏ lửa nấu đường mỗi dịp Tết về đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây. Mùa sản xuất mứt Tết thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch để đến gần Tết thì mang ra thị trường tiêu thụ. Tuy số lượng người trụ với nghề ngày một ít trước sự lấn át của mứt công nghiệp, nhưng những sản phẩm mứt truyền thống vẫn được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm, bởi không chỉ chất lượng thơm ngon, mà còn thể hiện giá trị tinh thần của dân tộc.
5.Biểu tượng Tết cổ truyền – Câu đối đỏ
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Chỉ một đôi câu mà nói rốt ráo nhu cầu thiết yếu của cả cái Tết. Ấy là cái hay của câu đối. Ngày nay, có nhiều thứ tồn tại song hành cùng Tết cổ truyền và một trong những nét văn hóa khó phai mờ ấy chính là câu đối Tết. Trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân cũng đều trọng tục treo câu đối đỏ ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho thường là màu đen hoặc vàng, trên những tấm giày đỏ hay hồng đào cho nên thường được gọi chung là câu đối đỏ. Màu đỏ của liễn (câu đối) được dùng không ngoài mong muốn “vận” may mắn vào gia chủ.
Để có được chữ tốt treo trong nhà, người Việt thường có tục “cầu cạnh” xin chữ nơi những bậc cao niên khéo chữ hay những cụ đồ già. Có chữ tốt treo trong nhà thì mục đích trang hoàng cho đẹp chỉ là một phần, chọn một chữ, một câu gì đấy để treo tất là họ đã chọn một tâm thế sống, một hướng nghĩ cho năm sắp đến của mình và của những người thân. Vì thế mà dễ hiểu khi những chữ Phước, Lộc, Thọ, Tâm, Phúc, Nhẫn… hay những vế đối biền ngẫu với ý nghĩa may mắn cũng thường được viết để bày trong nhà.
Người xưa xem việc viết và treo câu đối là một thú vui tao nhã. Ngày xuân xưa, khi đến chúc Tết nhau trong phần quà cáp đều có được đôi câu đối tặng nhau thì thật trân quý.
6.Biểu tượng Tết cổ truyền – Mai đào
Nếu như ở mảnh đất phương Nam xa xôi hoa Mai kiêu hãnh khoe mình trong nắng thì trong tiết trời se lạnh miền Bắc hoa đào góp phần xua tan cái giá rét mùa đông. Khoe sắc rực rỡ và được xem như biểu tượng của mùa xuân, những bông hoa ấy còn đẹp bởi những ý nghĩa mà người xưa dành cho. Nếu như vẻ đẹp trong sáng, tinh khôi của hoa mai tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng thì nhiều người tin rằng sắc hồng, sự can trường vượt qua gió rét của hoa đào sẽ mang đến nguồn sinh khí mới, sức khỏe, bình an và niềm hy vọng tràn đầy trong năm mới.
Đào và mai có không ít loại. Nếu như đào bích, loại hoa có cánh kép nhiều tầng màu đỏ thắm thường được trưng bày ngày Tết thì trong vô vàn loại mai từ bạch mai, hoàng mai… đến mai chiếu thủy, mai vàng vẫn giữ danh hiệu “đệ nhất hoa mai”, do màu vàng được xem là biểu trưng cho sự may mắn, giàu sang, tấn tài tấn lộc. Từ niềm hy vọng ấy, người ta cũng đặc biệt quan tâm đến thời điểm, sắc hoa nở… Hoa nở rộ đúng ngày đầu năm, nụ hoa to chắc, không rơi rụng… được xem là điềm lành năm mới.
7.Biểu tượng Tết cổ truyền – Cây nêu
Nêu là cây tre hay bương, dài khoảng 5 – 6cm, thường được dựng trước sân nhà mỗi dịp tết. Ở ngọn cây, người ta đeo một vòng tròn nhỏ có buộc nhiều thứ: vàng mã, cành xương rồng… làm bùa trừ tà; cá chép bằng giấy để táo quân dùng làm phương tiện về trời; hay những chiếc chuông gió, khánh bằng đất nung… để mỗi khi gió thổi, những vật dụng này chạm vào nhau thành tiếng kêu để ma quỷ biết nhà có chủ, không được tới quấy.
Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, ngày Táo quân về trời để con người yên tâm vui chơi mà không sợ ma quỷ lai vãng khi ông vắng mặt. Thông thường vào tối trừ tịch (ngày cuối năm), người ta sẽ treo một chiếc đèn lồng trên cây để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết cùng con cháu. Ở một số vùng, người ta sẽ buộc giỏ bằng tre, trong có chứa trầu cau, vôi, hoặc giấy vàng bạc, và treo lên gọi là “lên nêu” để táo trừ những xấu xa trong năm cũ và mang may mắn đến. Đến hết ngày mùng Bảy nêu được hạ.
8.Biểu tượng Tết cổ truyền – Phong bao lì xì
Phong bao lì xì (Hồng bao) là tượng trưng cho sự may mắn. Những ngày đầu năm mới, người lớn thường lì xì, tặng trẻ nhỏ tiền để trong phong bao giấy màu đỏ với lời chúc chóng lớn, mạnh khỏe, ngoan ngoãn… Không chỉ riêng trẻ nhỏ, người ta cũng tặng hồng bao cho ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi trong nhà với ý nghĩa mừng tuổi mới, cầu chúc sức khỏe, an khang… Tiền đặt trong hồng bao thường có mệnh giá lẻ để mong trong năm mới tài lộc sinh sôi.
9.Biểu tượng Tết cổ truyền – Lân Rồng
Từ xa xưa, lân là một linh vật, thường được đặt tại nơi tôn nghiêm ở các đền đài, lăng tẩm vua chúa, ở các đình chùa. Do vậy, đầu lân và các điệu múa đều thể hiện sức mạnh, sự oai phong lẫm liệt. Vì thế múa lân phải giỏi võ, có thể lực tốt, sức dẻo dai để chịu dựng được thời gian biểu diễn kéo dài. Ông địa bụng phệ, tay cầm quạt lá, mang mặt nạ, miệng cười rộng toét, hai hàm răng to đều, biểu hiện cho sự vui tươi, lạc quan và trù phú. Ông địa chỉ huy con lân, bảo gì lân cũng phải làm theo.
Nhiều người còn cho rằng, Tết mà thiếu đi tiếng trống múa lân thì sẽ thiếu đi cái không khí vui tươi rộn ràng của ngày Tết. Múa lân được xem là loại hình văn nghệ dân gian với nhiều ý nghĩa tượng trưng nhất: chúc phúc, thịnh vượng, thanh bình và may mắn.
Tổng kết
Những hình ảnh này rất đỗi gần gũi, giản dị nhưng cũng mang trong mình màu sắc riêng góp phần tô vẽ nên bức tranh muôn màu về văn hóa Việt. Vậy còn bạn, bức tranh Tết của bạn được vẽ bằng những màu sắc nào? Tham khảo thêm về những nét văn hóa Hà Nội nhé.